Phân biệt dầu hộp số công nghiệp và dầu cầu

Hỏi: Tôi thường nghe nói về dầu hộp số và biết nó có nhiều loại nhưng không biết nên dùng loại nào và phân biệt chúng ra sao. Máy của công ty tôi dùng loại dầu cầu 140 đổ vào trong hộp giảm tốc với vòng bi tải trọng nặng liệu có được không?
Trả lời:
Đúng là dầu hộp số thì có nhiều loại. Vì hộp số công nghiệp và hộp số ô tô khác nhau về điều kiện hoạt động, do đó cũng cần những loại dầu khác nhau. Cũng vì dân ta hay gọi dân dã dầu hộp số là dầu cầu nên thường dễ gây nhầm lẫn. Xin đưa ra sự phân biệt như sau:
– Đối với hộp số ô tô , hoạt động trong điều kiện nhiệt độ cao, tải trọng và chịu cực áp trung bình, vận tốc làm việc cao, do đó sử dụng các loại dầu đặc chủng là dầu hộp số (Gearbox Oil). Các hãng dầu nhớt đều có dòng sản phẩm này. Ví dụ: sản phẩm của BP có tên Gear Oil 140 XP hoặc Gear Oil 90 XP; sản phẩm của ENEOS có tên Gear GL5- 90. Cũng tương tự như dầu động cơ, dầu cầu cũng có loại đơn cấp và đa cấp. Sự phân biệt nằm ở các ký hiệu: 140(đơn cấp) hoặc 85W-140(đa cấp), 90 hoặc 80W-90. Ở điều kiện thông thường, độ nhớt đặc trưng đo ở 40 độ C đối với dầu 140 thường là trên 300 cSt. Sự hiểu lầm bắt nguồn từ đây!
Thông thường ta cứ xem số 140 (hoặc 90) là độ nhớt của dầu (như trường hợp với các loại dầu động cơ, thủy lực) mà không cần biết rằng độ nhớt đo ở nhiệt độ nào. Nhiệt độ càng cao thì độ nhớt càng giảm. Vậy, nói dầu cầu 140 (hoặc 90) không phải là nói độ nhớt của dầu cầu ở 40 độ C là 140(hoặc 90) mà là nói độ nhớt ở nhiệt độ làm việc của nó(100 độ C hoặc hơn)!
– Đối với hộp số công nghiệp, hoạt động trong điều kiện nhiệt độ không cao lắm, vận tốc vòng bánh răng chậm hơn ở ô tô nhiều lần, nhưng lại chịu tải trọng và cực áp cao, do đó ta thường phải sử dụng loại dầu có tên: dầu bánh răng công nghiệp (industrial gear oil). Đối với loại dầu này, người ta không phân biệt đơn cấp hay đa cấp, chỉ phân biệt qua độ nhớt của chúng. Thông thường, các độ nhớt dầu thuộc dải : 68, 100, 150, 220, 320, 460, 680, 1000. Vòng bánh răng càng nặng, công suất máy càng lớn thì càng phải dùng dầu có độ nhớt cao. Độ nhớt của chúng gắn liền với tên dầu và được đo ở 40độ C. Ví dụ, sản phẩm của BP có tên: Energol GR-XP 150, 220, 320; sản phẩm của ENEOS có tên Bonnoc M150, 320, 460…

Quay trở lại với câu hỏi, nếu đúng như bạn đã làm là mua dầu cầu 140 đổ vào máy thì nếu máy vẫn chạy được thì thật là may. Có thể độ nhớt yêu cầu của máy bạn là dầu bánh răng 320 nên khi đổ dầu cầu 140 vào thì vẫn đạt yêu cầu. Thật may, phẩm cấp của dầu cầu ô tô thường là GL-4 hoặc GL-5, chịu cực áp tốt nên hóa ra việc bạn dùng dầu này đã biến bạn thành “cao thủ”. Nhưng nếu máy của bạn yêu cầu dầu có độ nhớt khác (68, 100, 150, 220, 460, 680…) thì thật nguy hiểm. Bởi vì nếu độ nhớt yêu cầu nhỏ hơn 320 mà bạn đổ dầu này vào thì độ luôn chuyển dầu sẽ không đạt, gây “bó” máy, có thể còi báo động sẽ hú ầm ĩ. Còn nếu độ nhớt dầu yêu cầu lớn hơn 320 thì khi đổ vào sẽ làm máy hoạt động không đủ công suất đồng thời dễ gây mài mòn, gây nên hiện tượng “mỏi” thời gian dài và dẫn đến gãy vỡ bánh răng.
Chúc các bạn có được sự lựa chọn đúng đắn và hiệu quả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *